Đừng bao giờ nghĩ mình sẽ có ngày “cuối tuần”

5/5 - (1 vote)

Cuộc đua Rat Race của con người

Mỗi ngày chúng ta ngủ dậy, đi làm, về nhà, có thời gian có thể chơi thể thao, đi ăn uống, giải trí.., một vòng lặp vô tận. Bạn có cảm thấy hài lòng với bản thân chăng? 

Hãy bắt đầu bằng những khái niệm rat race, nói về một cuộc sống lặp đi lặp lại.  

Rat race là cuộc đua chuột trong phòng thí nghiệm

Rat race là cuộc đua chuột ở trong phòng thí nghiệm. Chúng đua nhau chạy trong mê cung không lối thoát. Trong mê cung này sẽ đặt miếng phô mai ở cuối mê cung. Đây được coi là phần thưởng cho chú chuột đầu tiên tìm thấy nó. Trong mê cung tràn đầy cạm bẫy và mất phương hướng. Hoặc người ta cũng có thể đặt chú chuột vào bánh xe quay tròn. Chúng phải chạy trong bánh xe liên tục và đầy mệt mỏi chỉ vì miếng phô mai bé tí tẹo. Những con chuột chỉ dừng lại khi chúng đã kiệt sức. Phần thưởng chẳng hề xứng đáng với công sức của kẻ liều mạng này.

Nào là vòng quay không giới hạn, mê cung rộng lớn… lũ chuột bé nhỏ bỏ biết bao công sức để thoát khỏi cạm bẫy. Cuối cùng chỉ để có được phần thưởng nhỏ bé. Chú chuột này tin rằng nó có mục tiêu, có nhiệm vụ. Nhưng nó không nhận ra mục tiêu đó là do người khác quyết định. Nó chỉ được bày ra để chú chuột chạy theo mà thôi.

Bạn có thể nói rằng bạn khác biệt, bạn không giống mọi người. Bạn có tự hỏi ở công ty của bạn, bao nhiêu người đã đến, bao nhiêu người đã đi. Phượng Nguyễn, một người đã cống hiến cho công ty trong 4 năm tuổi trẻ. Khi công ty thay đổi, bạn đã chọn rời khỏi. Bạn ấy nhận định “đúng sai nó chỉ là khái niệm, quan điểm của từng cá nhân. Chỉ có 2 con đường, một là ở lại thì phải chấp nhận, còn nếu không chấp nhận thì vui vẻ ra đi.” 

Hôm nay là một ngày rất đặc biệt, ngày Kimmy Phượng chính thức nghỉ làm việc tại The Coffee House sau gần 4 năm cống hiến. Một khoảng thời gian với rất nhiều kỉ niệm, nhiều đến mức mình thật sự không biết bắt đầu từ đâu.

Ngày mình vào The Coffee House, văn phòng công ty đặt ở phía trên một cửa hàng, diện tích không nhiều nên mỗi phòng chia ra đều rất nhỏ. Mỗi lần làm việc với các phòng ban cứ phải chạy lên chạy xuống. Ngày đó, dịch vụ Delivery còn rất sơ khai, app còn đang xây dựng, vận hành còn phải gọi từng đơn hàng để xác nhận, còn phải vào chọn từng cửa hàng, book từng anh tài xế. Rồi với áp lực vận hành và hiện trạng, mình phải tối ưu hoá chi phí, năng suất, cải tiến quy trình và hệ thống. Đến nay, mình rất tự hào để nói rằng với vị trí Delivery Operation Manager, có ngày mình và team đã vận hành trên 6,000 đơn hàng với doanh số hàng trăm triệu đồng. Tạo ra hàng triệu cuốc xe, tăng thu nhập cho hàng ngàn tài xế. 

Và rồi những sự thay đổi, rắc rối đến để hoàn thành vai trò của nó trên cuộc đời của Kimmy. Để ra được quyết định ra đi, mình đã suy nghĩ rất nhiều, có những ngày mình chỉ ăn đúng 1 bữa cơm. Mình phải nhờ đến một người coach để giúp mình định hướng lại. Mình đã học cách nhìn vào điều không mong muốn đó, chấp nhận nó và tự hỏi mình sẽ học được gì từ nó đây. 

Kimmy nghĩ thật ra đúng sai nó chỉ là khái niệm, quan điểm của từng cá nhân. Chỉ có 2 con đường, 1 là ở lại thì phải chấp nhận, còn nếu không chấp nhận thì vui vẻ ra đi. Không phán xét, không đánh giá ai cả, chỉ cần đón nhận sự việc đó như chính nó là như vậy. 

 Trong bài viết về cuộc đua chuột, tác giả đã nhận xét thẳng thắn đến nhói lòng.

Tôi may mắn vì có một công việc, đúng thật, may quá. Người thân nói rằng tôi đang làm tốt mọi thứ, thế nhưng họ không nhận ra tôi chỉ là một con chuột trong cuộc đua kia. Họ cũng không nhận thấy rằng họ cũng chính là chuột. Chỉ khác nhau ở mê cung hay thí nghiệm mà thôi.

Rat race của chú chuột trong phòng thí nghiệm hay kiến bò trên miệng cối đều giống như con người. Con người luôn cạnh tranh xem ai giàu hơn, danh tiếng hơn, chức phận lớn hơn… Đây hẳn là cuộc sống tham sân si của con người. Họ chạy đua với thời gian, với đồng tiền cho đến khi cuộc sống trở nên nhàm chán, vô nghĩa. Rat race làm mất đi cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

Chúng ta cữ ngỡ mình đã đi được cả trăm triệu dặm đường. Ta ảo tưởng rằng bản thân đã đi được rất xa trong dòng chảy cuộc đời. Nhưng thực ra chúng ta chỉ lòng vòng một chỗ, ngay đó, như chuột chạy trong bẫy, kiến bò trên miệng cối.

Thiền sư Hakuin đã vẽ ra một bức tranh với chú kiến nhỏ bò quanh miệng cối. Con kiến nhỏ, miệng cối tròn, kiến bò mãi quanh vòng tròn đó. Bò mãi đến khi được 10km – gấp 5 triệu lần so với chiều dài 2 mm của nó. Và con kiến vẫn chẳng hề hay biết rằng mình chưa đi đâu cả. Nó vẫn ở ngay đó, ngay trên miệng cối tròn nhỏ. 

Nhưng bạn lại nghĩ rằng, bạn làm được rất nhiều thứ, có rất nhiều thành tựu. Nhưng thành tựu đó để làm gì?

Nào là chỉ tiêu công ty, phấn đấu bản thân cho tới những khái niệm khác được công ty đề ra. Đó chính là phần thưởng, mục tiêu mà chúng ta phải đạt được. Chúng ta nghĩ rằng mình có thể kiểm soát. Nhưng không, phần thưởng được đặt ra bởi nhà khoa học để con chuột đi vào mê cung thôi. Chúng ta làm mọi thứ để đạt được cái đích người khác đặt ra cho mình.

Hãy thử làm một bài tập về chính bạn.

Bạn đi làm ngày 8 tiếng, tối về bạn có thể nghỉ ngơi. Hoặc nếu bạn là người ham học hỏi, tối về bạn sẽ sử dụng nốt khoản thời gian của mình vào công việc. Bạn đem về thu nhập cho mình bằng cách nhận lương của một công ty nào đó hằng tháng. 

Bạn hãy thử suy nghĩ, nếu bạn nghỉ làm việc trong vòng 2 tháng để đi du lịch hoặc đi phượt đâu đó, liệu bạn có lo lắng về vấn đề tài chính và công việc không? Nếu bạn không hề lo lắng gì và hoàn toàn vô tư thực hiện những chuyến du lịch đó thì bạn đã là người tự do về tài chính và đã thoát ra khỏi Rat race. Ngược lại bạn đang trong vòng rat race.

Những người trong vòng xoáy Rat race thường chán ghét thứ hai. Họ thường phàn nàn về thứ hai, về sự bắt đầu của cả tá công việc đang chờ đợi. Họ chỉ sống thực sự vào những ngày cuối tuần.

Đừng chỉ sống bằng những cuối tuần

Điều này sẽ thực sự là khổ sở đối với nhiều người. Chúng ta dành một phần rất lớn trong thời gian sống để làm việc nhưng lại chán ghét những ngày làm việc. Gary Vaynerchuk nói rằng, nếu bạn chán ghét Thứ 2 – Thứ 6, bạn cần phải tìm ra giải pháp bởi vì chúng thực sự rất quan trọng. Đừng chỉ sống cho cuối tuần.

Warren Buffett kể lại câu chuyện giữa ông và một sinh viên

– Tôi học ở đây, sẽ làm việc cho công ty XYZ, giờ tôi đến đây, tôi nghĩ điều đó giúp tôi có hồ sơ xin việc hoàn hảo để làm việc cho công ty vấn quản lý lớn.

– Đó có phải là việc anh muốn làm không?

– Không, nhưng nó có thể giúp tôi có hồ sơ hoàn hảo

– Vậy khi nào anh mới làm việc mình thích?

– Một ngày nào đó tôi sẽ làm việc mình thích

– Tôi thấy kế hoạch của anh giống như để về già mới làm “chuyện ấy”. 

Ông nhận xét điều này trong quyển sáchThe Snowball: Warren Buffett and the Business of Life   

People ask me where they should go to work, and I always tell them to go to work for whom they admire the most. It's crazy to take little in-between jobs just because they look good on your résumé. That's like saving sex for old age. Do what you love and work for whom you admire the most, and you've given yourself the best chance in life you can. – Warren Buffett

 Tạm dịch 

Người ta hỏi tôi nên làm việc ở đâu, tôi luôn nói với họ rằng hãy làm việc với người mà họ tôn trọng nhất. Thật là điên rồ để làm một công việc chỉ để làm đẹp hồ sơ. Nó giống như bạn để giành “chuyện ấy” tới già vậy. Làm gì bạn thích và làm cho người mà bạn tôn trọng nhất, bạn đã tự cho mình cơ hội tốt nhất trong đời.

Tác giả của Marcel Schwantes đã bình luận trên báo Inc.

Hãy quên đi việc leo trên những chiếc thang và tìm được công việc mơ ước. Chìa khóa thành công không phải tạo ra những bản lý lịch hoàn hảo trên giấy, mà là tìm ra một người để làm việc cho họ, người sẽ thúc đẩy sự nghiệp của bạn tiến lên nhanh hơn so với chính bạn. 

Công việc tốt nhất, không phải là công việc được trả nhiều tiền nhất, mà là công việc có sếp mà bạn ngưỡng mộ nhất. Buffet trích dẫn câu nói của Isaac Newton “Nếu tôi nhìn xa hơn người khác, đó là vì tôi đứng trên vai những người khổng lồ”. Trên thực tế, người “đáng ngưỡng mộ” đó có thể là người đang giữ vai trò lãnh đạo tại công ty bạn bây giờ.

Một nhà lãnh đạo đáng ngưỡng mộ, chắc chắc là một nhà lãnh đạo bạn sẵn sàng cống hiến hết mình. Khi nhà lãnh đạo giúp bạn đạt được thành công lâu dài, cho phép bạn vượt qua thất bại, mang lại ý nghĩa cho công việc của bạn, bạn cũng cần đánh đổi lòng trung thành, cam kết và tự tạo động lực – những điều sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh cho công ty.

Đổi lại sự trung thành, bạn được cố vấn, hướng dẫn bởi những nhà lãnh đạo như vậy sẽ đưa bạn đến thành công trong sự nghiệp. Họ được ngưỡng mộ, có nghĩa là họ thực sự quan tâm đến đóng góp của những người khác ở cấp độ con người. Họ chân thành quan tâm về sở thích, mối quan tâm, ước mơ, sức mạnh, tài năng và mục tiêu của những người làm việc cùng mình. 

Một người sếp của mình nhiều năm trước, khi còn cộng tác ở một tập đoàn hàng đầu Việt Nam đã chia sẻ với tôi khi chị mới nhậm chức CEO “Tôi sẽ không tuyển những bạn nào mà tôi cảm thấy không muốn đi cafe với họ sau giờ làm việc”. Bạn chọn sếp, sếp chọn bạn. Khi mình quan tâm ở cấp độ con người, đó không chỉ là công việc. 

Nhưng đôi khi, bạn gặp phải người sếp mà bạn không ngưỡng mộ. 

Bạn sẽ làm việc bạn thích, tìm “công việc tốt nhất” hay vẫn tiếp tục làm công việc hiện tại? 

Tôi chưa có việc mới nhưng vẫn phải làm để phải kiếm sống

Bạn cảm thấy rất bắt đắc dĩ khi đi làm.

Tôi đã tìm rồi, đã gửi CV cho vài chỗ rồi mà chẳng có chỗ nào vừa ý để chuyển ấy chứ. 

Không đi làm thì tiền đâu để lo cho bản thân và người khác. 

Cứ mỗi lần nghĩ tới công ty, nghĩ tới sếp, nghĩ tới đồng nghiệp là muốn hát bài “định mệnh”.

Giờ tôi vẫn còn trả nợ ngân hàng, con học trường quốc tế. Chi phí ở những thành phố lớn thật dọa người. Rồi đám đình, những mối quan hệ cùng cần được duy trì. Không đi làm thì phải làm sao?

Mệt lắm, mà vẫn phải đi làm thôi. 

Ai cũng có những gánh nặng. 

Có lẽ một ngày nào đó mình sẽ làm những việc mình thích, nhưng bây giờ thì chưa phải lúc. 

Xem ra là bạn PHẢI LÀM công việc mà bạn chẳng thích chút nào.

Đây là một cách suy nghĩ không lành mạnh, biến mình thành nạn nhân. Tôi làm như thế là vì [những lý do] chứ không phải vì tôi muốn như thế.

Những chuyện bất như ý & người mạnh mẽ

Cuộc sống không phải lúc nào cũng giống như những hành lang thẳng tắp mà chúng ta có thể dễ dàng đi qua mà không gặp chướng ngại nào, nó là một Mê Cung với vô số hướng rẽ mà mỗi hướng có thể làm ta lạc lối, hoang mang, có đôi khi ta sẽ cảm thấy mình đụng phải ngõ cụt. – A.J. Cronnin

Có vô số vấn đề bạn đều không thể tác động. Một cơn mưa khiến bạn ướt sũng. Công ty cắt toàn bộ dự án bạn đang làm, bạn sắp phải nghỉ việc. Người yêu nói lời chia tay. Ai đó nói một điều thật khó nghe, làm bạn tổn thương.

Nhiều điều bất như ý nằm ngoài phạm vi quyết định của bạn. Nếu bạn có thể can thiệp thì bạn đã ngăn chặn chúng rồi. 

Bạn chẳng thể khiến mưa ngừng rơi hay yêu cầu người khác phải hành xử theo cách bạn mong đợi. 

Khi có ai đó bắt đầu bằng “tôi phải đi làm..”, oán giận sếp của mình, chán ghét đồng nghiệp hay người thân của mình, họ đã mất đi sức mạnh của bản thân.

Chắc bạn cũng từng nghe ai đó nhận xét về một người “anh ấy/cô ấy thật mạnh mẽ”. Mạnh mẽ không hẳn là nói tới sức mạnh thể chất, mà còn nói đến sức mạnh tinh thần. Những người có tinh thần mạnh mẽ, khi phải đối diện với những điều bất như ý họ không đánh mất sức mạnh của bản thân. 

Dưới đây là một số đặc điểm của người mạnh mẽ được Amy Morin đúc kết

1. Không đổ lỗi 

Một phòng ban kia có rất nhiều người rời đi, không khí có vẻ không còn giàu năng lượng như trước. Khi tâm sự, anh sếp nói rằng: “nếu một đội nhóm không tốt, người đầu tiên cần phải chịu trách nhiệm chính là anh”. Anh bảo rằng nhiều người sinh ra trong gia đình nghèo vẫn có chút oán hận, nhưng làm vậy thì cũng không giải quyết được việc gì. 
Cuộc sống ở những đô thị bận rộn, đôi khi người ta dùng lý do “rất bận” để giải thích cho những gì mình chưa làm được. Trong bài phỏng vấn của Forbes với 20 người phụ nữ truyền cảm hứng vào tháng 4-2021, CEO của Nutifood nói về việc không đổ thừa:”Có người nói phụ nữ làm lãnh đạo, làm CEO thì khó tươi tỉnh, đẹp, vui vẻ? Không, cái đó là do mình, cân bằng hay không là do mình. Mình không đổ thừa ai, mà đó là sự sắp xếp có chủ đích của mình.”- Trần Thị Lệ

Họ không lãng phí thời gian để cảm thấy mình là nạn nhân, tiếc nuối về hoàn cảnh hoặc cách người khác đối xử với họ. Thay vào đó, họ chịu trách nhiệm về vai trò của mình trong cuộc sống. Họ hiểu rằng cuộc sống không phải lúc nào cũng dễ dàng và công bằng.

2. Không cho đi sức mạnh / They Don’t Give Away Their Power

Họ không cho phép người khác kiểm soát họ, không cho phép quyền lực của người khác lớn hơn bản thân mình. Họ không nói những điều như “Sếp của tôi khiến tôi chán nản” bởi vì họ hiểu rằng họ kiểm soát được cảm xúc của chính mình và họ có quyền lựa chọn cách phản ứng.

Khi nghĩ về những việc mà bạn không thích nhưng lại bất lực để thay đổi, điều bạn hoàn toàn quyết định là cách bạn đối diện với chúng, cách bạn nghĩ về sự việc, cách bạn nói, hành động bạn chọn lựa. Nếu bạn có thể đối diện chúng thành công, bạn sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn trong cuộc sống.

3. Không ngại sự thay đổi

Những người mạnh mẽ về tinh thần không cố gắng trốn chạy sự thay đổi. Thay vào đó, họ hoan nghênh sự thay đổi một cách tích cực và sẵn sàng điều chỉnh một cách linh hoạt. Họ hiểu rằng sự thay đổi là không thể tránh khỏi và tin tưởng vào khả năng của mình để thích nghi. 
Quan trọng hơn, khi chấp nhận mọi thứ là vô thường, mọi thứ rồi sẽ thay đổi, bạn sẽ học được cách nhận biết sự thay đổi đang đến trước người khác, không nghiêm trọng hóa vấn đề, tìm cách thay đổi bản thân nhanh chóng để thích nghi. 

4. Họ không lãng phí năng lượng vào những việc không thể kiểm soát

Bạn sẽ không nghe thấy một người mạnh mẽ về tinh thần phàn nàn về việc tắc đường, về chuyện thời tiết. Thay vào đó, họ tập trung vào những gì họ có thể kiểm soát, “sử dụng nguồn lực được phép kiểm soát” để làm những gì họ có thể tác động. Họ nhận ra rằng đôi khi, điều duy nhất họ có thể kiểm soát là thái độ của mình.

5. Không cần làm hài lòng tất cảm mọi người

Những người mạnh mẽ về tinh thần nhận ra họ không cần phải làm hài lòng tất cả mọi người trong mọi chuyện. Họ không ngại nói không hoặc lên tiếng khi cần thiết. Họ cố gắng trở nên tử tế và công bằng nhưng cũng có thể chấp nhận người khác khó chịu.

6. Họ không ngại rủi ro

Rủi ro làm nhiều người trong chúng ta sợ hãi. Những người mạnh mẽ không chấp nhận rủi ro một cách liều lĩnh hoặc ngu ngốc nhưng cũng không ngại những rủi ro đã được tính trước. Những người có tinh thần mạnh mẽ dành thời gian cân nhắc rủi ro và lợi ích trước khi đưa ra quyết định quan trọng. Chủ đề này sẽ được nói đến ở phần sau trong bài viết này. Hãy chuẩn bị trước khi giương cung “Tôi dần học được bỏ qua những thứ lo lắng không cần thiết. Mình lo thì chuyện xảy ra vẫn xảy ra. Mình cần sắp xếp khoa học công việc, chú tâm làm việc. Hình dung giống như mình bắn cung, mình chuẩn bị thật kỹ trước khi giương cung, còn một khi mũi tên bay đi thì mình không tác động được gì nữa. Thế thì lo nữa cũng không ích gì. Hãy chuẩn bị tốt nhất có thể.”– Trần Thị Lệ, CEO Nutifood

7. Không oán giận thành công của người khác 

Những người có tinh thần mạnh mẽ có thể đánh giá cao và tán dương thành công của người khác. Họ không ghen tị hay cảm thấy bị lừa dối khi người khác vượt mặt họ. Thay vào đó, họ nhận ra thành công đi kèm với sự chăm chỉ. Họ sẵn sàng làm việc chăm chỉ để có cơ hội thành công. 

8. Họ không sợ một mình

Những người mạnh mẽ về tinh thần có thể chịu được việc ở một mình. Họ không sợ sự im lặng. Họ không ngại ở một mình với những suy nghĩ của mình và sử dụng thời gian đó một cách hiệu quả. Họ tận hưởng việc một mình, không phụ thuộc người khác để được đồng hành.  

9. Họ không thấy thế giới nợ họ điều gì

Có vô số kỳ vọng được một người nhỏ bé thì thầm bên tai bạn. 

  • Tôi đã làm việc vất vả, thành công tất nhiên sẽ đến.
  • Tôi đã trung thành với sếp, đợt lên chức sắp tới sẽ có mình. 
  • Tôi đã bắt đầu làm dự án này từ những ngày đầu tiên, đợt tới khi triển khai tôi sẽ là người quản lý chúng.

Những người mạnh mẽ nghĩ rất khác. Họ không cảm thấy mình có quyền thừa hưởng điều gì. Họ không có những ý nghĩ về việc người khác có nghĩa vụ chăm sóc họ hoặc cuộc đời phải cho họ thứ gì đó. Thay vào đó, họ tìm kiếm cơ hội dựa trên thành tích của bản thân. 

10. Họ không trông đợi kết quả ngay lập tức 

Cho dù họ cố gắng cải thiện sức khỏe hay bắt đầu kinh doanh, những người này không mong đợi kết quả ngay lập tức. Thay vào đó, họ áp dụng hết khả năng và thời gian của mình, hiểu được rằng muốn mọi việc thực sự thay đổi cần có thời gian.  
Hãy nghĩ lại những lý do bạn đã kể về việc không muốn thay đổi.Điều gì khiến bạn đi làm một cách bất đắc dĩ. Hãy mạnh mẽ và nghĩ về lựa chọn của bạn. Nếu bạn được lựa chọn thì sao?

Nếu em được chọn lựa một lần nữa

Nếu bây giờ được chọn lựa một lần nữa
Thì chắc có lẽ vẫn yêu anh như ngày xưa
Nếu bây giờ được chọn lựa điều em ước mơ
Thì em tin em vẫn mơ như em từng mơ

– Nhạc sĩ Thái Thịnh –

Bạn đã từng mơ ước điều gì muốn làm gì?

Hãy đi lấy danh sách mà bạn thường ghi vào đêm giao thừa, những điều bạn muốn làm trong năm mới ở giây phút thiêng liêng giao thời. 

Hãy đọc những điều bạn muốn làm một lần nữa.

Nếu chưa có, hãy nhắm mắt và tự hỏi “Mình thực sự muốn gì? Thực sự muốn làm gì?”. Hãy liệt kê chúng ra. 

Nhưng dường như, thật khó để bắt đầu. Đây không phải là yếu điểm của một người mà là tâm lý chung. Dù biết tập thể dục sẽ tốt cho sức khỏe nhưng việc hình thành thói quen tập luyện 30 phút mỗi ngày lại rất khó khăn. 

Trong quyển sách “Sức mạnh của khoảng khắc”, Chip Heath & Dan Heath kể lại câu chuyện của O'Kelly, người đã mắc khối u ác tính hiếm gặp không có cách nào chữa trị.

Vào thời điểm tháng 5-2005, ông 53 tuổi, là tổng giám đốc của KPMG, công ty kiểm toán trị giá 4 tỉ USD với 20.000 nhân viên.  Ông và vợ là Corinne có 2 con con gái. Con gái út Gina của ông mới 14 tuổi đang đi học và chờ tới kỳ nghỉ hè. Cô sẽ trở lại trường mà không còn ba trên đời nữa. 

Tháng 8, mẹ và em trai ông bay tới Tahoe cùng ông vào cuối tuần. Đó là chuyến thăm tiễn biệt cuối cùng của họ. O'Kelly viết: 

Sau khi ra giữa hồ được một lúc, tôi nắm tay mẹ và dắt mẹ về phía đầu thuyền để cùng trò truyện, chỉ mình mẹ và tôi. Tôi bảo mẹ là tôi đang ở một nơi tốt đẹp. Tôi bảo sẽ gặp lại mẹ trên thiên đường. Là người có đức tin sâu sắc, mẹ tôi thấy dễ chịu hơn nhờ câu nói đó. Đó là ngày hoàn hảo. Tôi thấy đời trọn vẹn. Đã cạn nhưng trọn vẹn. 

Vào đêm mà mẹ và em trai ông rời đi, Corine nằm trong vòng tay của ông. Bà cảm thấy ông đang dần rời bỏ đời sống và lên tiếng nói về “sự vắng mặt” của ông. Ông nói, “Giờ em phải đảm đương mọi thứ rồi. Anh đã làm hết mọi điều có thể.” Khoảng 2 tuần sau, vào ngày 10-9-2005 ông qua đời. 

Điều ông nhận ra trong vùng bóng đổ những ngày cuối đời mình, ông đã sống với những ngày hoàn hảo với từng khoảng khắc của nó. Ông viết:

Trong hai tuần, tôi đã trải qua nhiều Khoảng khắc Hoàn hảo và nhiều Ngày Hoàn hảo hơn cả 5 năm qua cộng lại, mà cũng có thể là hơn cả 5 năm về sau, nếu như cuộc đời tôi tiếp tục đi theo hướng nó vẫn đi trước khi có chuẩn đoán ung thư. Hãy nhìn lên tờ lịch của bạn. Bạn có thấy Ngày Hoàn hảo nào phía trước không? Hay nó đang ẩn nấp đâu đó và bạn phải tìm cách mở khóa? Nếu tôi bảo bạn đặt mục tiêu tạo ra 30 Ngày Hoàn hảo, bạn có làm được không? Và bạn sẽ cần bao nhiêu thời gian? Ba mươi ngày? Sáu tháng? Mười năm? Hay là không bao giờ? Tôi cảm thấy như thể mình đã sống trọn vẹn một tuần chỉ trong một ngày, trọn một tháng chỉ trong một tuần, trọn một năm chỉ trong một tháng. 

“Tôi đã được ban phước lành. Người ta nói tôi còn ba tháng để sống” – Eugene O'Kelly 

Cơ hội còn được SỐNG khiến ông nhìn mọi chuyện khác đi và sống trọn vẹn từng phút giây hoàn hảo với mong muốn của ông. Có thể chúng ta có nhiều thời gian sống hơn ông, nhưng liệu điều đó có nên là lý do ta trì hoãn mọi thứ hay không? 

Đây chính làm cạm bẫy mà ai trong đường đua chuột đều dễ dàng mắc phải. Mỗi ngày tiếp nối một ngày, rồi một năm trôi qua ta vẫn chẳng làm được gì trong mấy gạch đầu dòng được chúng ta nắn nót ghi trong đêm giao thừa. 

Ta vẫn chẳng đến được những hòn đảo mà ta muốn đến. Ta cũng chẳng nhìn thấy hoàng hôn rực rỡ bên bờ sông Sài Gòn. Ta cũng chẳng bắt đầu được công việc ý nghĩa mà ta muốn. 

Ta đang sợ hãi điều gì khiến cho chân ta chẳng thể bước đi.

Mà có thật là ta sợ hay không? Nỗi sợ đó cụ thể là gì?

Fear-Setting: Thiết lập sự sợ hãi 

Nhiều người đã bắt đầu những mong ước, kế hoạch của bản thân nhưng lại bị sự hãi cản đường. Nó phóng đại những hậu quả tiêu cực tiềm ẩn, đánh giá thấp kết quả tích cực tiềm năng sẽ mang lại.

  • Không tìm được việc mới bạn sẽ không thể lo được cho cuộc sống của mình và những người khác. Thất tình không đáng sợ, thất nghiệp mới đáng sợ. 
  • Tôi sẽ thất bại ở công việc mới. 
  • Thành lập công ty ở thời điểm cạnh tranh gay gắt như thế này có lẽ không có triển vọng. Tôi nên tiếp tục làm thuê. Dù sao thì ở lại trong vòng an toàn vẫn yên tâm hơn.

Những lời bào chữa này sẽ luôn ngăn bạn thay đổi. Nó khiến chúng ta tê liệt, không dám thay đổi.
Tim Ferriss đã suýt tự tử khi còn sinh viên và trải qua hơn 50 giai đoạn trầm cảm trong cuộc đời. Ông có đủ trải nghiệm về sự sợ hãi và cảm giác muốn tự hủy hoại bản thân. Ông chia sẻ trong bài nói chuyện của mình trên Ted Talk:

Tôi đã làm việc hơn 14 tiếng một ngày, bảy ngày một tuần. Tôi sử dụng chất kích thích để làm việc và dùng thuốc an thần để ngủ được. Đó là một tai hoạ. Tôi cảm thấy bị mắc kẹt hoàn toàn. 

Những lựa chọn khó khăn – những gì ta sợ phải làm, sợ phải hỏi, phải nói ra nhất, thường chính là những gì ta cần làm nhất. Những thách thức lớn nhất và những vấn đề ta phải đối mặt sẽ không bao giờ được giải quyết bằng những cuộc đối thoại dễ dàng bất kể bạn tự trò chuyện trong đầu, hay giao tiếp với người khác 
“Chọn lựa dễ dàng, cuộc sống khó khăn. Chọn lựa khó khăn, cuộc sống dễ dàng.” Bài tập Fear-Setting được Patrick Buggy thiết kế và hướng dẫn, dựa theo bài nói chuyện của Ferriss để giúp bạn:

  • Đưa ra quyết định nên làm gì kế tiếp tiếp theo trong kinh doanh hay cuộc sống cá nhân.
  • Vượt qua sự căng thẳng khi bạn muốn thay đổi. Bạn biết mình sẽ làm gì nhưng chính chúng khiến bạn căng thẳng. Bạn không tự tin, thoải mái với sự thay đổi đó.

Bước 1: Trên trang một, tạo ba cột và gắn nhãn chúng là “Xác định”, “Ngăn chặn” và “Sửa chữa” nếu bạn chọn hành động. 

  • Cột Define/Xác định. Liệt kê các tình huống xấu nhất, những điều tồi tệ có thể xảy ra khi bạn quyết định thực hiện việc thay đổi. Hãy đánh giá mức độ tồi tệ cho từng tình huống nếu nó xảy ra. 
  • Prevent/Ngăn chặn. Liệt kê những hành đồng bạn có thể làm để giảm khả năng xảy ra trường hợp xấu nhất. Những hành động nào bạn có thể làm để giảm khả năng xảy ra các kịch bản không mong muốn.
  • Repair/Sửa chữa. Những gì bạn có thể làm để giảm bớt thiệt hại. 

Hãy xem ví dụ dưới đây của Patrick. Với một ý tưởng, ông muốn khởi nghiệp nhưng không ngừng lo lắng những kết quả tồi tệ:

  1. Sợ hết tiền trước khi thành công (mức độ tồi tệ 4/10)
  2. Tự làm sẽ không thành công (mức tồi tệ 3/10)

Ông có thể làm gì để ngăn chặn những những điều đó xảy ra:

  • Làm freelance để kiếm tiền (giảm nỗi sợ hết tiền)
  • Sống tiết kiệm hơn
  • Để giảm khả năng thất bại, ông sẽ tìm người coach, tìm lời khuyên từ những mentor của mình

Nếu chẳng may ông làm tất cả mọi thứ rồi mà kết quả không tốt vẫn đến, ông sẽ ứng tuyển công việc và trở lại làm công ăn lương.

Bước 2: Lợi ích tiềm năng khi hành động.

Liệt kê các lợi ích bạn có thể đạt được khi bạn hành động.

  • Điều gì sẽ xảy ra nhỉ?
  • Nếu thành công thì sao? 
  • Hoặc thành công một phần thôi, phần nào có khả năng nhất. 

Đánh giá lợi ích thu được theo thang điểm 10 cho từng lợi lích mà bạn đạt được. 

Bước 3: Xem xét hậu quả của việc không hành động 

Đây là phần mà chúng ta dễ lãng quên trong quá trình ra quyết định. Hậu quả của việc không hành động. 

Hãy tạo 3 cột 6 tháng/1 năm/3 năm và xem xét các hệ quả nếu bạn không hành động, không thay đổi. Hệ quả có thể là tình cảm, tài chính hoặc các vấn đề khác một cách chi tiết. 

Khi bạn hoàn thành 3 bước này, bạn sẽ nhận ra những gì mình sợ hãi một cách rõ ràng hơn. 

Có khi tình huống xấu nhất mà bạn mường tượng không diễn ra. 

Lợi ích khi hành động tốt hơn so với bạn dự đoán, kết quả khả quan và tươi sáng hơn. 

Mặc dù không thay đổi có thể mang cho bạn cảm giác an toàn nhưng khi thấu triệt mọi vấn đề, bạn sẽ có quyết định thay đổi dễ dàng, thoải mái hơn. 

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of

guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x