Bài viết này có thể sẽ gây ra một số tranh cãi, nhưng từ góc nhìn cá nhân tôi, từ những quan sát của mình, từ những nghiên cứu tôi cảm thấy rằng NFT sắp trở thành một quả bong bóng.
Xin lưu tâm giúp, tôi không phản đối việc các nghệ sĩ kiếm tiền, và tôi cho rằng đó là một ý tưởng hay dù tôi chưa tham gia. Vì ít nhất, sự sáng tạo ngày càng được công nhận.
Kể từ đầu năm 2021 cho đến nay, nếu bạn quan sát trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt là trên Facebook và Twitter thì bạn có thể dễ dàng nhận ra rằng: Lộn xộn và mất kiểm soát.
Trước khi viết bài này theo góc độ cá nhân, tôi có googling rất nhiều về NFT (định nghĩa, lịch sử hình thành, các nền tảng kinh doanh NFT, cách tạo ra NFT, những tin đồn và phân tích đúng/sai về NFT…). Và trong số hàng trăm kết quả trên các trang liên quan đến Crypto hay đích danh trang Artnews.com thì đa phần đều nói NFT rất hữu ích trong thế giới kỹ thuật số như hiện nay. Nhưng hữu ích ở đây là dành cho các nghệ sĩ kỹ thuật số và các nhà sưu tập nghệ thuật. Chứ không phải là dành cho các “marketer” tay ngang. 😀
Trong một cuộc phỏng vấn Keanu Reeves – Diễn viên chính của bộ phim Ma trận, khi được hỏi về suy nghĩ của anh ấy trong việc nhượng quyền bán NFT. Những gì anh ấy nói về NFT là:
Hê hê hê hê hê hê hê hê hê hê hê hê…. – Xem video tại đây
Chỉ riêng tiếng cười khúc khích của anh ấy cũng đủ để giải thích về xu hướng NFT đang diễn ra ngày nay rồi đó. Haha
Một diễn viên nổi tiếng như Keanu, người đã làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật và giải trí trong thời gian dài như vậy, khi có phản ứng như vậy thì chắc bạn cũng đang tự hỏi nhiều câu hỏi trong đầu về NFT nhỉ.
Về lâu về dài, ngay cả khi nó được sinh ra, NFT cơ bản là tốt. Nghệ thuật được công nhận và đánh giá cao hơn ngày nay. Các nghệ sĩ cuối cùng cũng có thể kiếm sống bằng cách bán các sản phẩm nghệ thuật sáng tạo của họ.
Vấn đề mà chúng ta đang gặp phải là cách mà “những người có ảnh hưởng” đang quảng bá.
Họ quảng bá NFT theo cách mà các chuyên gia giả mạo (fake) và những kẻ lừa đảm làm, khi họ nói với bạn rằng bạn có thể kiếm hàng triệu đô la bằng cách tạo ra NFT (Về lý thuyết là đúng).
Wow, để đúc được một NFT bạn phải mất khoản phí (trung bình khoảng 70$). Chưa nói đến việc tạo ra sản phẩm nghệ thuật.
Một số người không biết gì về nghệ thuật, nhưng vẫn “thử” chụp những bức ảnh ngẫu nhiên và tuyên bố rằng nó là “của họ”.
Trên facebook của tôi, tôi còn thấy một số người từng làm chuyên ngành marketing, nhưng đã chuyển sang “nghề” vẽ/tạo các sản phẩm “nghệ thuật” của riêng họ và họ nói với cộng đồng của họ rằng: “Sắp ra mắt”.
Cái gì vậy?
Một tác phẩm nghệ thuật, chỉ với vài click chuột, vài thao tác copy/paste là có thể ra mắt và định giá hàng nghìn đô la?
Lộn xộn thật.
Và điều gì sẽ xảy ra khi những người có ảnh hưởng tung lên các phương tiện truyền thông xã hội và nói với bạn rằng: Bạn đang bỏ lỡ chuyến tàu đấy?
Tại sao lại là là họ? Tại sao họ có thể nói về giá trị của các tác phẩm nghệ thuật? Tại sao tác giả hay những người có kinh nghiệm chuyên môn chưa lên tiếng? Tại sao?
À, hoá ra những người quảng bá NFT, hầu hết là những người có ảnh hưởng và chỉ muốn kiếm tiền.
Tồi tệ hơn cả, ai đó còn sử dụng tài khoản Twitter của Stan Lee đã quá cố để quảng cáo NFT và vào sinh nhật lần thứ 99 của ông ấy! (Tweet của ông ấy đây)
Đọc kỹ thì mới thấy dòng tweet còn khuyến khích cả trẻ em mua NFT. Vãi thật.
NFT đang bị thổi phồng bởi những người không đúng
Vấn đề là, NFT không được cho là một sản phẩm lừa đảo. Đó là nghệ thuật kỹ thuật số mà mọi người có thể sưu tập, đó là nghệ thuật.
Tuy nhiên, vấn đề mà cơn sốt NFT này chính là những người quảng bá nó, bán nó. Họ thuyết phục người mua hay nhà đầu tư theo cách khác. Họ nói với chúng ta rằng nếu chúng ta không đầu tư, chúng ta đang bỏ lỡ tương lai.
NFT là có lợi ích thực sự. Nhưng rủi ro có thể lớn hơn những lợi ích mà chúng mang lại.
Tôi không phải là một nghệ sĩ, nên không có đủ khả năng để định giá một tác phẩm nghệ thuật, nhưng có những tác phẩm lên đến hàng triệu, trăm triệu đô – tôi tự hỏi liệu nghệ thuật có xứng đáng với mức giá đó không.
Họ quảng bá, họ phải biết giá trị thực sự của sản phẩm.
Vấn đề là họ kiếm tiền, họ chỉ muốn kiếm tiền.
Hầu hết họ là người chia bài chứ không phải nghệ sĩ.
Chính những điều này khiến tôi và có lẽ cả bạn phải suy nghĩ lại về ngành công nghiệp này và những người đang thổi phồng chúng lên để kêu gọi thật nhiều người tham gia. Đừng lừa đảo mọi người vì những sản phẩm nghệ thuật sao chép. Những người có ảnh hưởng trực tuyến đang quảng cáo những thứ thậm chí không phải là nghệ thuật của họ.
Chúng ta có nên mua một NFT không?
Chúng ta thấy vui vì các nghệ sĩ bây giờ có thể được công nhận nhiều hơn cho nghệ thuật mà họ tạo ra.
Ngoại trừ việc nó trở nên quá mờ ám vào thời điểm này chỉ vì những “kẻ lừa đảo trực tuyến”, có vẻ như NFT đang dần mất đi mục đích ban đầu và bị lợi dụng rất nhiều.
Những người có ảnh hưởng (người nổi tiếng) nếu có tiếp thị cho NFT thì đa phần đều bị gắn nhãn “chuyên gia giả mạo”. Họ nói với bạn rằng bạn sẽ mất đi cơ hội kiếm tiền có 102 nếu không đầu tư vào họ, rằng bạn đang bỏ lỡ cơ hội hoặc đơn giản là họ đánh cắp các tác phẩm nghệ thuật theo cách này hay cách khác và tuyên bố đó là của họ.
Vậy chúng ta có nên đầu tư vào NFT không?
Tuỳ thuộc vào bạn. Với cá nhân tôi thì tôi chưa có ý định.
Nếu bạn là người đã từng tiếp xúc với các nghệ thuật quý hiếm trước khi NFT tồn tại, có nghĩa là bạn có thể có con mắt quan tâm đến nghệ thuật và bạn tìm thấy giá trị trong nghệ thuật đó. Hãy mua NFT.
Tuy nhiên, nếu bạn không biết gì về nghệ thuật thì tốt nhất không nên mua. Tiết kiệm tiền của bạn đi.
Xu hướng này về cơ bản giống như sự cường điệu của tiền điện tử, khi một số cá mập bắt đầu nói về những điều không tốt nào đó, giá sẽ giảm.
Đầu tư thì phải cẩn thận.
Thị trường hầu hết được dẫn dắt bởi đầu tư theo cảm tính. Không có cách nào để biết khi nào tăng, khi nào giảm được cả.
Đối với những người nổi tiếng, những người có sức ảnh hưởng, xin hãy suy nghĩ lại về việc quảng bá NFT.