Viết Blog và đây là 7 điều bạn nên đọc trước khi bắt đầu!

Rate this post

Tôi muốn bắt đầu bài viết này bằng một khẳng định: “Viết blog là một trong những điều tuyệt vời xảy ra trong chính cuộc đời của tôi“.

  • giúp tôi kết nối với nhiều người hơn và chia sẻ những gì tôi đã học được với hàng nghìn người khác.
  • Nó giúp tôi thoải mái chia sẻ quan điểm, góc nhìn cá nhân về một vấn đề nào đó xoay quanh sự nghiệp của tôi
  • Nó giúp tôi dễ dàng đưa các sản phẩm của tôi đến với khán giả tốt hơn, dễ hơn và hiệu quả hơn.

Và bạn đang đọc blog của tôi, sau hàng chục phiên bản khác nhau (tôi bắt đầu blog từ năm 2011 với những tên như marketingwithtinh.com, imtinh.com, blog.nguyendactinh.vn…nhìn lại thấy ớn và cho đến bây giờ, tinhnguyen.blog chắc chắn sẽ là trang blog cuối cùng và duy nhất tôi xây dựng và phát triển nó, dù nó không đẹp như trước).

Trong suốt quá trình phát triển sự nghiệp, tôi tham gia khá nhiều sự kiện, workshop về nhiều chủ đề khác nhau. Trong số đó, có những sự kiện tôi đề cập đến việc Xây dựng thương hiệu cá nhân (đặc biệt là các Nhà sáng lập, các lãnh đạo doanh nghiệp và cả các Marketer nữa). Trong đó, tôi có nhận được một vài câu hỏi kiểu như:

  • Tạo một trang blog không khó nhưng quản lý nó, phát triển nó khá khó khăn khi mà quỹ thời gian không có nhiều?
  • Tôi không biết nên viết gì?
  • Tôi không quen viết?

Trong bài viết này, tôi xin chia sẻ với mọi người một vài quan điểm cá nhân về việc phát triển một blog, viết blog để mọi người tham khảo.

Tôi xin bỏ qua mấy hướng dẫn như tìm mua tên miền, đăng ký hosting, cài đặt blog, thiết kế giao diện nhé.

Thứ nhất: Bạn cần tìm được chủ đề để viết

Dành thời gian cho việc viết blog là phải có mục đích. Mục đích đó có thể chỉ là để giải trí, cũng có thể là để bán hàng, có thể là để xây dựng danh tiếng…

Nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng: Bạn viết về gì cũng được, miễn sao nó phải quan trọng với bạn và những người khác (thường là đối tượng khán giả của bạn).

Có hai điều mà tôi làm để chọn cho mình chủ đề viết, đó là:

  • Khán giả và những người bạn gặp ngoài đời thường hỏi bạn điều gì? Trả lời các câu hỏi phổ biến bạn nhận được chính là cách tôi viết. Như chính bài viết này chẳng hạn, tôi không đề cập đến việc làm thế nào để xây dựng blog mà tôi đi thẳng vào trọng tâm của các câu hỏi mà tôi hay gặp phải hơn.
  • Chia sẻ giải pháp của bạn cho những vấn đề hoặc thách thức lớn nhất mà bạn – bạn chứ không phải ai khác nhé đang phải đối mặt. Mọi người thường khá giống nhau. Vì vậy, nếu bạn có thể chia sẻ những gì đã giúp bạn vượt qua những vấn đề hoặc thử thách nhất trong cuộc sống thì rất có khả năng nó sẽ gây được ảnh hưởng đến rất nhiều người khác. Ví dụ như bài đăng này, tôi chia sẻ về 8 cách giúp tôi thoải mái hơn trong cuộc sống và công việc.

Thứ hai: Bạn không cần phải đăng một bài mới mỗi tuần

Chắc bạn nghe được rất nhiều người bảo với bạn rằng bạn phải xuất bản ít nhất một bài/1 tuần để cạnh tranh và tăng lượng người xem nhỉ.

Không cần thiết bạn nhé.

Vì chúng ta còn rất nhiều việc phải làm, không phải blogger chuyên nghiệp, chỉ ăn với đi chụp ảnh và viết.

Vì vậy, khi nào chúng ta thực sự dành thời gian để viết được thì viết. Nhưng đã viết là phải chất.

Chuyên sâu hơn. Hay hơn.

Tôi không biết liệu bạn đánh giá bài viết này thế nào nhưng tôi không muốn phải viết lại những hướng dẫn tạo blog như nhiều người đã làm nữa mà tôi phi thẳng vào trọng tâm về linh hồn của blog chính là nội dung.

Tôi cũng không cần tìm cách để tối ưu SEO cho bài viết này, tôi nghĩ bài viết này sẽ được chia sẻ nhiều hơn. (Bạn chia sẻ nó chứ?)

Thứ ba: Phải kiên nhân và tìm ra một bản đồ đường đi thực tế

Thành công hiếm khi đến nhanh chóng như chúng ta có thể muốn. Dù trong lĩnh vực nào của cuộc sống.

Nhưng điều quan trọng ở đây là hãy cẩn thận về việc bạn lắng nghe ai và bạn có thể thực hiện lời khuyên của ai.

Học hỏi từ những người đã thực sự làm những gì bạn muốn làm. 

Bằng cách đó, bạn có thể xây dựng một lộ trình và thời gian thực tế để hướng tới thành công của chính mình.

Một vài blog đã phát triển rất nhiều, rất thành công và tôi đã học được rất nhiều điều từ những năm gần đây và điều đó giúp tôi luôn cập nhật, ví dụ như Smart Passive Income của Pat Flynn và Quicksprout của Neil Patel.

Thứ tư: Phải đặt ra một hoặc hai mục tiêu cụ thể và có thể đo lường được

Chỉ viết hết tuần này sang tuần khác mà không có bất kỳ mục tiêu hay ước mơ nào về nơi bạn muốn đến có thể khiến bạn cảm thấy bế tắc hoặc không có động lực sau một thời gian.

Vậy bạn muốn đặt mục tiêu cụ thể và có thể đo lường được nào cho trang web của mình?

Ví dụ, bạn có muốn…

  • Có 5.000 người đăng ký nhận email của bạn trong 1 năm kể từ bây giờ?
  • Kiếm 10.000.000đ một tháng từ công việc kinh doanh phụ này trong vòng 6 tháng?
  • Viết và xuất bản một cuốn sách trong 12 tháng?

Chọn một hoặc có thể hai mục tiêu. 

Viết nó hoặc ghim vào trước mặt ý, miễn sao để bạn có thể thấy nó mỗi ngày.

Thứ năm: Đừng để nỗi sợ hãi kìm hãm bạn

Nói thật, khi tôi bắt đầu viết blog, tôi cũng lo lắm, sợ hãi lắm.

Sợ người ta sẽ nghĩ trang blog của tôi dở hơi.

Sợ mọi người sẽ nói bài viết của tôi không hay.

Nhưng tôi đã vượt qua nó.

Thỉnh thoảng vẫn có những lời chỉ trích đây, thậm chí có những email chửi mình là đừng gửi email cho tao nữa…

Bực lắm chứ, mất cảm hứng lắm chứ.

Và đây là những gì tôi làm:

  • Thứ nhất: Lắng nghe chỉ trích. Chỉ khi bạn bị chỉ trích thì bạn mới có thể cải thiện được chính mình. Không phải lúc nào cũng có thứ để bạn học đâu. Nếu bạn nhận được chỉ trích thì đó là cơ hội để bạn suy nghĩ về mọi thứ.
  • Thứ hai: Quan điểm là không phải tất cả mọi chỉ trích đều thực sự là về mình. Đây là một cái bẫy. Có khá nhiều người bị tổn thưởng chỉ vì nghĩ mọi chỉ trích hướng về mình, mình là người đáng trách, dẫn đến họ căm phẫn bản thân, bị đả kích đến mức tiêu cực.
  • Thứ ba: Đừng quan tâm đến “nhóm người chuyên đi troll người khác”. Một số người sẽ đến và chỉ muốn troll bạn, tấn công bạn thôi. Tuy nó không phổ biến nhưng cũng cần lưu ý. Bạn không cần phải để tâm làm gì. Họ muốn làm gì kệ họ. Chỉ cần xóa email hay bình luận đi là xong.

Thứ sau: Hãy thật

Hãy chia sẻ cả những sai lầm và thành công của bạn.

Đừng chỉ cố gắng vẽ nên một bức tranh hoàn hảo và hồng hào về bản thân.

Trên Facebook hay cả trên Blog này tôi đã từng viết nhiều về thất bại của mình, về những thói quen xấu mà mình từng mắc phải và những điều không hoàn hảo đến với mình.

Tôi đã từng nghĩ: Mình phải giữ mình, mình không được phép cho người khác biết cảm xúc của mình.

Nhưng không. Cuộc đời của mình mà. Sao phải sợ.

Và tôi nghĩ đó là một sức mạnh nếu bạn có thể tìm thấy sự cân bằng và trở nên thực tế hơn.

Mọi người sẽ tin tưởng và lắng nghe bạn nhiều hơn.

Thứ bảy: Là chính mình

Cũng tương đồng như điều trên. Đừng chỉ chia sẻ những thành công và thất bại của bạn.

Chia sẻ bạn là ai bằng cách:

  • Viết về cuộc sống và sở thích của bạn
  • Đôi khi đề cập đến sở thích của bạn, những gì bạn đang làm hiện tại, một câu nói kỳ quặc của bạn hoặc một cái gì đó cho thấy bạn là ai trong những gì bạn viết hoặc ghi lại.

Hy vọng rằng chia sẻ này sẽ giúp bạn mạnh mẽ hơn, nỗ lực hơn, kiên cường hơn trong việc xây dựng cho mình một blog cá nhân của mình.

Chúc bạn thành công!

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of

guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x