Trở thành Chuyên gia về Tăng trưởng & Thu hút khách hàng

Xin chào, tôi là Tình Nguyễn =)

Hiện tại tôi là Founder & Chairman của Vietnam MarTech, Co-Founder của LadiPage và Co-Founder của BambuUP.

Tôi đầu tư thời gian nghiên cứu và viết các bài luận chi tiết về tiếp thị, công nghệ tiếp thị, tăng trưởng và thu hút người dùng đã được đăng trên CafeF, CafeBiz, VOV1, Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam, Doanh nhân Sài gòn Online… để giúp bạn xây dựng một cỗ máy tăng trưởng.

Trở thành một “chuyên gia” về thu hút khách hàng

Nếu tôi có thể làm được, bạn có thể làm được

Sự nghiệp của tôi đã trải qua 3 giai đoạn với những tư cách khác nhau:

  • Giai đoạn 1 (2009 – 2011): Tôi khởi nghiệp với tư cách là một “người đam mê làm giàu, muốn trở thành người doanh nhân thành đạt”. Giàu đâu chưa thấy, thành đạt đâu chưa thấy, nhưng đến cuối năm 2011 thì gặt hái được một “núi nợ” với 11 chữ số. (1x.000.000.000đ)
  • Giai đoạn 2 (2014 – 2018): Tôi tái khởi nghiệp với tư cách là một “nhà đào tạo tiếp thị” và một “diễn giả”. Kết thúc giai đoạn này, danh tiếng, tên tuổi của tôi đã dần được định hình trong làng tiếp thị Việt Nam kèm theo đó là một khối tài sản âm với 10 chữ số (6.x00.000.000đ).
  • Giai đoạn 3 (2018 – đến nay): Tôi không khởi nghiệp nữa mà tôi chính thức đến LadiPage để cùng khởi nghiệp với Mr Bình Nguyễn với tư cách là một “chuyên gia phễu bán hàng” và “chuyên gia công nghệ tiếp thị”. Trong suốt thời gian này, nhiệm vụ của tôi là gì có lẽ đã phần những ai biết đến LadiPage, biết đến Tình Nguyễn thì đều khá rõ. Trong suốt thời gian này, tôi nhận ra rằng “sản phẩm chỉ là một mảnh ghép nhỏ trong câu đố khởi nghiệp”. Như một người truyền bá thương hiệu, người dò đường cho các hoạt động tiếp thị, bán hàng và phát triển sản phẩm, tôi dành rất nhiều thời gian, có thể nói là trở nên say mê với việc nghiên cứu cách phát triển của các sản phẩm khác. Hành trình học hỏi về tăng trưởng và thu hút khách hàng của tôi đã bắt đầu.

Tôi không có bằng cấp về tiếp thị. Tất cả những gì tôi có được hoàn toàn là từ việc tự học. Kết quả của quá học tập của mình, như bạn biết, tôi có một chỗ đứng nhất định nào đó trong giới, tôi tham gia diễn thuyết ở những diễn đàn tiếp thị lớn tại Việt Nam, tôi được tham gia vào các nhóm chuyên gia tiếp thị hàng đầu Việt Nam, tôi giữ các vị trí chịu trách nhiệm Tiếp thị các sản phẩm trong hệ sinh thái của LadiPage (chúng tôi có bộ phận tiếp thị thương hiệu và dịch vụ riêng). Tôi đã và đang tư vấn cho nhiều người khác về tăng trưởng và sự phát triển.

Tôi không ở đây để khoe khoang.

Quan điểm của tôi là nếu tôi làm được, bạn cũng có thể làm được và tôi muốn chia sẻ những mẹo và bài học kinh nghiệm của mình, bắt đầu từ năm 2022 này.

Bạn có thể đã và đang lãng phí thời gian của mình vì…

  1. Không có một khóa học/nguồn nào dạy bạn mọi thứ bạn cần. Vì vậy đừng kỳ vọng và ngừng tìm kiếm đi.
  2. Đại học/Cao đẳng (ĐH/CĐ) không dạy bạn về digital marketing và cách thu hút khách hàng đâu. Lĩnh vực Digital Marketing đã, đang và sẽ tiếp tục thay đổi cực kỳ nhanh chóng và tốc độ đang tăng rất nhanh. ĐH/CĐ hoặc thậm chí Trung tâm đào tạo chuyên sâu quá chậm để thích ứng. Ở ĐH/CĐ sẽ dạy bạn một số điều cơ bản, nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó thì cần gì phải học ĐH/CĐ, có nhiều nơi khác rẻ hơn và kiến thức ok hơn.
    Phải thẳng thắn thừa nhận rằng, hệ thống giáo dục của chúng ta, thuần tuý và đơn giản, để đào tạo ra được người có thể làm việc hiệu quả ngay trong môi trường thực tế thì cực ít trường làm được nếu không muốn nói là không có. Khoảng cách giữa những gì bạn học ở trường và các kỹ năng bạn cần để làm được việc được lấp đầy bởi bạn, tuỳ thuộc vào bạn, vào sự lựa chọn của bạn.
  3. Bạn sẽ không thể trở thành một chuyên gia tiếp thị, một chuyên gia thu hút khách hàng chỉ bằng cách xem/đọc các khoá học hoặc tham dự các sự kiện hay đọc các bài viết trên các trang chuyên ngành. Ở mỗi thời điểm thực tế, bạn sẽ cần phải làm bẩn tay của bạn, phải lao vào làm, làm và làm.
  4. Chứng chỉ là vô nghĩa, nhảm nhí. Bạn có thể sẽ thấy một số khoá học trực tuyến cam kết cấp “chứng nhận về Google Adwords” hay “chứng nhận về truyền thông xã hội”…Bỏ đi. Chứng chỉ không có giá trị mấy đâu trong khi bạn phải trả một khoản tiền không nhỏ cho nó. Nói thật, các khoá học cấp chứng chỉ thường tệ hơn những tài liệu bên ngoài, thực chiến hơn nhiều.
    Các nhà tuyển dụng tốt nhất trong thị trường ngày nay không quan tâm đến mấy cái tào lao như chứng chỉ đâu. Họ muốn biết về những gì bạn đã làm. Hãy đọc tiếp…

Kế hoạch học tập – Định hình bản thân giống như chữ “T”

Thế giới của Digital Marketing ngày nay là KHỔNG LỒ. Có một kế hoạch và con đường là yếu tố quan trọng nhất. Có ba lớp như sau:

1. Lớp cơ sở (Base Layer)

Đây là những chủ đề cụ thể phi tiếp thị – là cơ sở được sử dụng xuyên suốt trong hai lớp tiếp theo. 

2. Nền tảng Tiếp thị (Marketing Foundation)

Đây là những chủ đề tiếp thị bạn nên biết vì chúng được sử dụng trên hầu hết mọi kênh bạn sử dụng.

3. Chuyên môn về kênh (Channel Expertise)

Lớp thứ ba là nơi bạn sẽ cần phải thực hiện một số lựa chọn. Kênh là nơi mà bạn có thể tiếp cận khán giả của mình. Gần như không thể trở thành chuyên gia trong tất cả các kênh tiếp thị trực tuyến VÀ phải luôn cập nhật những thay đổi mới nhất. Kênh nào bây giờ cũng thay đổi kinh khủng.  

Đó là lý do tại sao tôi đề xuất một kế hoạch học tập sẽ định hình bản thân bạn giống như chữ “T” [Xem hình bên dưới]. Tìm hiểu rộng hơn bằng cách biết những điều cơ bản ví dụ ít nhất phải biết ưu/nhược điểm của từng kênh. Sau đó, chọn đi sâu một vài kênh. Là một chuyên gia trong một số lĩnh vực nhất định, bạn sẽ có thể xây dựng thương hiệu xung quanh mình và nổi bật giữa đám đông.  Ví dụ: Bạn định hình mình là chuyên gia về kênh Facebook Ads hoặc là chuyên gia về kênh TikTok Ads…

Một kế hoạch học tập sẽ định hình bản thân bạn giống như chữ "T"
Một kế hoạch học tập sẽ định hình bản thân bạn giống như chữ “T”

Bắt đầu Tìm hiểu về Tăng trưởng với một email cho mỗi bài đăng của tôi

Bạn nên đi sâu vào những kênh nào?

Tùy thuộc vào bạn thôi. Điều quan trọng là chỉ cần chọn. Nhưng tôi sẽ cung cấp cho bạn hai điều để xem xét khi bạn ra quyết định.    

1. Sở thích và kỹ năng của bạn

Hãy nghĩ về kiểu người bạn là ai và bạn mạnh nhất ở đâu. Một số kênh định hướng nhiều hơn đến các kỹ năng sáng tạo (như Content Marketing, Social, v.v.). Một số tập trung hơn vào số lượng (như email marketing, viral growth hay paid acquisition, v.v.). 

Kênh càng gần với điểm mạnh và niềm đam mê của bạn thì bạn càng có cơ hội trở thành chuyên gia trong kênh đó. Cá nhân tôi là một người thích đổi mới sáng tạo nhưng có định lượng. Vì vậy, tôi có xu hướng đi sâu về Content Marketing, Email Marketing và Viral Growth.

2. Đặt cược vào một kênh mới nổi

Nếu bạn mới bắt đầu sự nghiệp digital marketing của mình thì tôi thực sự khuyên bạn nên nghiêng về các kênh mới nổi. 4-5 năm trước, các kênh mới nổi sẽ là Facebook và Content Marketing. Bây giờ có thể là TikTok hoặc vẫn là Facebook hoặc Email Marketing.  

Đặt cược an toàn nhất là chọn ra 2 kênh để đi. Một kênh đã được kiểm chứng mà bạn biết sẽ tồn tại trong một thời gian dài, không phải theo kiểu xu hướng (như Search, Content Marketing, Email Marketing, v.v.) cùng với một kênh mới nổi.  

Một số lời khuyên chung

Thực hành với cái gì đó luôn và ngay

Trong việc học digital marketing, không gì có giá trị hơn là việc thực hành kinh nghiệm. Tham gia các khoá học là hữu ích. Nhưng tôi thực sự khuyên bạn tìm một sản phẩm/công ty nào đó để thử những gì bạn học được khi tham gia các khóa học. Có thể bạn đang làm ở trong một công ty nào đó, bạn chỉ cần ứng dụng cho nhiệm vụ của bạn tại công ty đó. Nếu không, sử dụng chính bạn (thông qua một blog, một landing page, v.v.) làm thí nghiệm.  

Học hỏi từ những người khác

Một trong những điều tốt nhất bạn có thể làm là theo dõi các nhà tiếp thị tuyệt vời khác, những người thường sản xuất nội dung trực tuyến. Đây là danh sách chỉ một số người mà tôi theo dõi:

Noah Kagan , Rand Fishkin ,  Hiten Shah

À đúng rồi, cũng đừng quên theo dõi mình nhé  🙂

Học hỏi từ các công ty khác

Khi bạn đã chọn các kênh mà bạn muốn đi sâu, hãy xác định một vài công ty đang thực hiện tốt các kênh đó. Làm theo chiến thuật của họ. Ví dụ, trong Content Marketing, tôi sẽ chú ý đến các công ty như Moz, Hubspot, KissMetrics và Buffer. Sử dụng các công cụ để nghiên cứu và làm theo các chiến lược của họ như Moz Research Tools, SEMrush, WhatRunsWhere…

Luôn luôn note lại những gì học được hoặc những ý tưởng bạn có

Tôi sử dụng evernote và mỗi khi tôi nhận và mở một email hay, thấy một landing page hấp dẫn, một mẫu quảng cáo thu hút, hình ảnh thiết kế banner đẹp, v.v., tôi đều lưu trữ và sắp xếp nó trong Evernote. Thế là tôi có một kho thư viện các ý tưởng để tham khảo.

0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x