Cố vấn Kinh doanh – Tìm và thuê như thế nào cho hợp lý?

5/5 - (1 vote)

Trước tiên, tôi sẽ phân đoạn định nghĩa như sau:

  • Đối với một doanh nhân, thì chúng ta sẽ gọi là NGƯỜI CỐ VẤN KINH DOANH
  • Đối với một doanh nghiệp, thì chúng ta cũng có thể gọi là NGƯỜI CỐ VẤN hoặc NHÀ CỐ VẤN, NHÀ TƯ VẤN hoặc HỘI ĐỒNG CỐ VẤN, HỘI ĐỒNG TƯ VẤN

Xét ở khía cạnh như một cá nhân đang tìm kiếm những lời khuyên về kinh doanh:

Như bạn biết, bạn bè và gia đình của chúng ta, các chuyên gia trực tuyến, ấn phẩm và thậm chí là những người quen biết thường xuyên có thể cung cấp cho chúng ta thông tin ổn định và bổ ích về tin tức, sự phát triển của ngành và cơ hội.

Giới phân tích, chuyên gia tư vấn hoặc thậm chí sếp và đồng nghiệp của chúng ta có thể sẽ chia sẻ kiến thức chuyên môn của họ với chúng ta về các tình huống và nhu cầu cụ thể mà chúng ta có thể gặp phải.

Nhưng chỉ một người cố vấn kinh doanh mới có thể chia sẻ sự khôn ngoan với chúng ta một cách liên tục – theo cách có thể có tác động tích cực trực tiếp đến sự phát triển sự nghiệp của chúng ta theo thời gian.

ĐIỀU KHÁC BIỆT: Lời khuyên kinh doanh chung chung mà chúng ta sẽ nhận được từ các ấn phẩm trực tuyến sẽ chỉ cho chúng ta con đường phải đi nhưng một người cố vấn kinh doanh tốt sẽ chỉ cho chúng ta đúng nơi, đúng lúc cần phải thay đổi.

Một người cố vấn kinh doanh là một người có kinh nghiệm kinh doanh, kinh doanh nhiều hơn chúng ta, người phục vụ như một người bạn tin cậy trong một khoảng thời gian nhất định.

Vậy, giá trị thực sự của một người cố vấn kinh doanh là gì?

  • Thứ nhất, họ đang trao lại cho cộng đồng của họ và cho xã hội nói chung bằng việc cho các doanh nhân những lời khuyên và hướng dẫn họ để họ có thể tạo ra các tác động có thể đo lường được.
  • Thứ hai, nhiều người cố vấn kinh doanh có thể tư vấn cho mọi người để phát triển kỹ năng của họ với tư cách là giáo viên, người quản lý, nhà chiến lược hoặc chuyên gia tư vấn. Và một mối quan hệ cố vấn thực sự hoạt động theo cả hai hướng — người cố vấn của bạn được học về những ý tưởng, chiến lược và chiến thuật mới từ bạn, giống như bạn sẽ học được sự khôn ngoan vượt thời gian từ họ.

Xét khía cạnh của một doanh nghiệp:

Các nhà cố vấn hay nhà tư vấn (sau đây sẽ dùng chung là Nhà tư vấn) thường là công cụ không nên thiếu cho mỗi doanh nghiệp.

Vận hành một doanh nghiệp không hề đơn giản, chưa nói đến việc phát triển doanh nghiệp.

Vì vậy, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp thường phải đi tìm kiếm những nhà tư vấn hoặc thậm chí nhiều nhà tư vấn, nhiều hội đồng tư vấn cho chính bản thân họ và cho cả doanh nghiệp của họ.

Trong bài viết này, tôi sẽ tập trung vào khía cạnh doanh nghiệp, về tầm quan trọng của cố vấn kinh doanh, các loại hình cố vấn phổ biến và cách để tìm những nhà tư vấn phù hợp.

Tầm quan trọng của cố vấn kinh doanh

Cố vấn kinh doanh rất phổ biến vì:

  • Đa phần các chủ doanh nghiệp bắt đầu kinh doanh mà chưa có nhiều kiến thức chuyên môn trong ngành và phải đối mặt với vô vàn các thách thức liên quan đến vận hành, điều hành các hoạt động kinh doanh của mình;
  • Trong trường hợp chủ doanh nghiệp có xuất phát điểm đã là chuyên gia ngách nào đó, họ thường xuất sắc trong việc thực hiện công việc nhưng lại thiếu các kỹ năng quan trọng để bán hàng, tiếp thị, đàm phán, quản lý, tuyển dụng và đối phó với các rủi ro pháp lý hoặc sổ sách kế toán;
  • Khi có các nhà tư vấn nhiều kinh nghiệm và chuyên nghiệp, họ sẽ chỉ các chủ doanh nghiệp hướng đi đúng đắn hơn cả;
  • Quan trọng hơn là khi có nhà tư vấn đồng hành, các chủ doanh nghiệp sẽ tự tin hơn để tiến về phía trước;

Những vận động viên giỏi nhất thế giới đều làm việc với các huấn luyện viên của họ.

Các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới đều có người hoặc đội ngũ cố vấn của riêng họ.

Tại sao các công ty tư vấn kinh doanh hàng đầu thế giới như Accenture, Deloitte, KPMG lại có doanh thu tư vấn lên đến 10 tỷ đô la hàng năm?

Đó là bởi vì các công ty trên thế giới đều cần được tư vấn.

Việc đưa ra các quyết định kinh doanh tầm chiến lược có thể khiến công ty của chúng ta bị ảnh hưởng nếu không có sự chuẩn bị phù hợp.

Làm việc với các nhà tư vấn và cố vấn kinh doanh có kinh nghiệm sẽ giảm thiểu được rủi ro và thay vào đó, chúng ta có thể tập trung vào đúng loại vấn đề cần được giải quyết.

Chúng ta thực sự cần loại hình tư vấn nào?

Thực tế, tôi không biết ở Việt Nam đã nở rộ dịch vụ tư vấn đến đâu, nhưng theo quan sát thì:

Có rất nhiều người cố bán dịch vụ tư vấn nhưng thực sự họ còn không biết họ đang bán loại hình tư vấn cụ thể nào.

Vấn đề nằm ở chỗ, dịch vụ tư vấn độc đáo đến mức nào?

Mỗi loại hình kinh doanh thì sẽ phù hợp với những loại hình tư vấn khác nhau.

Mỗi một thị trường ngách thì cũng sẽ phù hợp với những loại hình tư vấn tương ứng.

Điểm mấu chốt là phải tối đa hóa được giá trị của một mối quan hệ tư vấn.

Mối quan hệ kinh doanh thường sẽ có cấu trúc như sau:

  • Tham mưu (Advisory)
  • Tư vấn (Consulting)
  • Kèm cặp (Mentoring)
  • Huấn luyện (Coaching)

Để xác định được loại hình tư vấn chúng ta cần, bước đầu tiên là chúng ta cần phải xác định được các yêu cầu cụ thể và rõ ràng:

  • Chúng ta chỉ cần một vài giờ mỗi tuần?
  • Chúng ta cần một cuộc họp trong 1 hoặc 2 ngày với nhóm quản lý cấp cao để có thể mang lại hiệu quả cao hơn cho công ty mình?
  • Chúng ta cần chạy nước rút trong vài tuần để có thể giải quyết các vấn đề cấp bách như giải quyết tình trạng xấu đi của doanh nghiệp hoặc giải quyết bài toán tăng trưởng?

Hiệu được loại trợ giúp nào chúng ta cần và những cơ hội nào sẽ mang lại lợi ích cho chúng ta nhiều nhất sẽ giúp ta chọn được đúng loại hình tư vấn.

Các cách để tìm một nhà tư vấn kinh doanh

Khi chúng ta đã xác định khu vực cần trợ giúp, chúng ta có thể chuyển sang giai đoạn khám phá, tìm kiếm.

Có thể không dễ dàng để tìm được nhà tư vấn phù hợp cho nhu cầu cụ thể của chúng ta nhưng hoàn toàn tham khảo như:

  • Tìm kiếm trên Google (Vì nhiều người chưa chú trọng vào việc SEO cho những kiểu nhu cầu này nên cũng khó phết)
  • Tham khảo các mạng lưới tư vấn (Thực sự chưa có nhiều mạng lưới dạng này nên cũng khó)
  • Tận dụng mạng lưới quan hệ cá nhân
  • Đến các sự kiện trong ngành
  • Tham gia vào các cộng đồng trực tuyến (Cũng khó, vì mơ hồ lắm)

Tôi sẽ nói chi tiết về 2 cách là Tận dụng mối quan hệ cá nhân, Đến các sự kiện.

Tận dụng mạng lưới mối quan hệ cá nhân

Bạn bè và gia đình chính là điểm khởi đầu.

Đối tác, nhà cung cấp, các đồng nghiệp khác trong ngành là tham chiếu tốt.

Hãy hỏi trên Facebook để xem ai đó có thể đưa ra lời giới thiệu nào không.

Hoặc trực tiếp liên hệ với những có ảnh hưởng, có kinh nghiệm trong lĩnh vực mà chúng ta biết, để tìm cách làm việc với họ hoặc nhờ một ai đó giới thiệu cho.

Mẹo: Một số đồng nghiệp có thể sẽ hữu ích và họ có thể sẽ giới thiệu cho chúng ta được người mà chúng ta cần.

Mẹo: Tôi cũng có thể giúp giới thiệu được nhé. (Liên hệ với tôi qua Facebook nhé)

Đến các sự kiện trong ngành

Thường thì các nhà tư vấn (hay các chuyên gia) hay hẹn gặp mặt nhau tại một số sự kiện ngành. Một số là diễn giả, một số là nhà tài trợ, một số đơn giản là người tham dự.

Ngay cả khi chúng ta không tìm thấy được một nhà tư vấn ở đó, nhưng hãy nhớ rằng, những người tổ chức sự kiện đó có thể sẽ biết ai đó đấy.

Theo kinh nghiệm của tôi thì: Sự kiện thực sự có sức mạnh khi tìm kiếm các chuyên gia thích hợp. Hầu hết các nhà lãnh đạo ngành đều phát biểu tại các sự kiện tương tự. Hoặc công ty của họ tài trợ cho sự kiện. Hoặc đó là nơi họ thường xuyên đến với bạn bè, đồng nghiệp và đối tác.

Tại sao việc tin tưởng một nhà tư vấn có thể là một thách thức?

Nói thật, một phần của tất cả các nhà tư vấn tham gia vào việc tư vấn, cố vấn cho ai đó, cho doanh nghiệp nào đó đều chỉ vì tiền.

Họ biết rằng, họ có thể thực hiện những gì đã hứa, nhưng không thực sự tham gia vào kết quả của chính nó.

Một nhóm chuyên gia tư vấn khác coi công việc tư vấn như một sự phát triển sự nghiệp.

Cho đến nay, bản thân tôi cũng đang phải trả tiền cho một số chuyên gia tư vấn. Một phần để tôi phát triển sự nghiệp, một phần là để gián tiếp giúp đỡ các khách hàng lớn của tôi – họ cũng thuê tôi làm cố vấn.

Trên thực tế, điều tôi học được khi làm việc với các nhà tư vấn kinh doanh khác nhau trong suốt những năm qua là: Hầu hết các nhà tư vấn đều quan tâm đến kết quả. Họ tự hào về những gì họ làm. Thành công là điều quan trọng để chốt được nhiều giao dịch hơn và xây dựng lòng tin trong khi tạo ra ROI thực tế.

Nhưng việc ủy thác cho một cá nhân bí quyết kinh doanh của mình để đổi lấy vài giờ, vài ngày tư vấn thì đúng là một điều khá khó khăn. Đó là còn chưa kể đến những lý do phát sinh khác như tầm nhìn khác nhau, ưu tiên khác nhau và quy trình làm việc khác nhau.

Tuy nhiên, tôi thì ít khi bí mật lắm, cứ thoải mái chia sẻ, bởi tôi luôn nghĩ: Mình không phải thiên tài để phát minh, mọi ý tưởng hay bí quyết kinh doanh chắc không phải chỉ riêng mình mới có. Thoải mái chia sẻ, và đó là bí quyết để tôi được người khác cởi mở với tôi.

Một số sai lầm phổ biến khi đi thuê một chuyên gia tư vấn

Có bốn sai lầm chính mà các doanh nghiệp làm việc với chuyên gia tư vấn khiến họ không đạt được kết quả:

  • Chọn sai nhà tư vấn
  • Sự không phù hợp giữa Doanh nghiệp và nhà tư vấn
  • Không biết tính toán lợi ích của việc thuê nhà tư vấn
  • Không chịu làm theo lời khuyên của nhà tư vấn

Chúng ta hãy xem xét kỹ hơn từng cái.

1. Chọn sai nhà tư vấn

Thuê một nhà tư vấn chiến lược để tư vấn tài chính là sai rồi.

Thuê một nhà tư vấn công nghệ để về tư vấn về quản lý, điều hành là sai rồi.

Mỗi người đều có tài năng riêng.

Một nhà tư vấn chuyên nghiệp và đủ tốt là người nhận thức đầy đủ về bức tranh rộng lớn, đã làm việc với các chiến lược gia, các giám đốc và các chuyên gia tư vấn khác trong mọi lĩnh vực.

Điều này không có nghĩa là họ biết sâu về từng lĩnh vực.

Nhưng có một đặc điểm nhận dạng mà chúng ta cần xem xét đó là khả năng phán đoán, khả năng phân tích dữ liệu.

2. Sự không phù hợp giữa Doanh nghiệp và Nhà tư vấn

Đó có thể là sự phù hợp với văn hóa hoặc sự không phù hợp trong ngành.

Các công ty khởi nghiệp vì có nguồn lực hạn chế thì không nên thuê nhà tư vấn đã từng tư vấn cho những doanh nghiệp lớn.

Ngược lại, các tập đoàn thì không thể làm việc với các nhà tư vấn khởi nghiệp được. Tầm nhìn hạn chế về những điều mà các tập đoàn phải đối mặt sẽ dẫn đến những câu trả lời khác và không phù hợp (trong khi nó chỉ phù hợp với doanh nghiệp nhỏ).

Có một quy tắc đọa đức mà các nhà tư vấn luôn phải tuân theo đó là không bao giờ bán dữ liệu cho doanh nghiệp khác.

Vì vậy, nếu đang làm việc hoặc nhận thấy sắp làm việc với một nhà tư vấn như thế thì hãy từ chối ngay hoặc chấm dứt hợp đồng ngay.

3. Không biết tính toán lợi ích

Các nhà tư vấn vĩ đại thành công rực rỡ trong hai trường hợp:

  • Giải quyết được các vấn đề mà doanh nghiệp đang mất hàng đống tiền những chưa có cách xử lý
  • Tìm kiếm được một loạt các cơ hội xung quanh, khai thác chúng với một quy trình làm việc tối ưu

Nếu chúng ta đang thuê một nhà tư vấn với mức phí là 10tr/ngày để giải quyết một lỗi nhằm giúp chúng ta tiết kiệm 10tr/tháng và họ chỉ dành ra một vài ngày để phân tích và loại bỏ nó, doanh nghiệp của chúng ta sẽ phải mất 2-3 năm để thấy được lợi nhuận cho khoản đầu tư này.

Tuy nhiên, giả sử chúng ta thuê một nhà tư vấn để tối ưu hóa quy trình nào đó để tránh lãng phí 100tr/tháng và họ dành ra 30 ngày để hoàn thành công việc.

Bạn trả cho nhà tư vấn là 30 * 10tr hoặc 300 triệu.

12 tháng sau, doanh nghiệp của chúng ta đã tiết kiệm 1,2 tỷ chi phí nhờ vào quy trình phù hợp được triển khai trong nội bộ. Và điều này còn chưa tính đến hiệu quả công việc có được nhờ vào quy trình mới.

Và tất nhiên, chúng ta cũng cần có một nền tảng thực sự vững chắc có thể hiệu chỉnh được để mang lại kết quả vượt trội. Nếu không, nhà tư vấn sẽ đưa ra một danh sách những yêu cầu hay điều kiện trước khi họ quyết định nhảy vào doanh nghiệp của chúng ta và biến chúng ta thành câu chuyện thành công của họ

4. Bỏ qua Chỉ thị mà nhà tư vấn đưa ra

Không ai muốn lãng phí tiền bạc của mình cả.

Bạn có biết sự khác biệt giữa một ebook miễn phí và một cuốn sách trị giá 219.000đ không?

Một khi mà chúng ta phải trả giá cho một cái gì đó, cho khóa học, cho một cuốn sách thì nhiều khả năng các hướng dẫn trong đó sẽ được thử nghiệm thực tế.

Đối với việc thuê một nhà tư vấn cũng vậy.

Kinh nghiệm làm việc của tôi thấy rằng, 80% đều chỉ dừng lại ở những cái “gật gù” khen hay, nhưng làm theo thì thực sự quá ít.

Đa phần bỏ tiền ra thuê người ta sau đó bỏ qua toàn bộ những gì họ đưa ra. (sau đó là đi mắng người ta hoặc đi nói với người khác kiểu như ôi rồi, toàn lý thuyết, với cả khó, với cả này nọ…hoặc không có gì đảm bảo nó sẽ hoạt động hoặc không thể mua những gì họ khuyên hoặc tầm nhìn xa quá….)

Liệu đây có phải là lỗi của nhà tư vấn không?

Có thể là thỉnh thoảng, nhưng đã trả phí để mua lời khuyên của họ và sau đó bỏ qua những lời khuyên của họ sẽ chẳng thể giúp ích gì cho bạn cả. Đúng không?

Ok, bài viết này chắc cũng đủ thông tin để bạn hiểu rõ về thuật ngữ cố vấn kinh doanh rồi.

Một khi bạn chắc chắn những điều này, bạn sẽ tự tin hơn trong quá trình tìm kiếm nhà tư vấn phù hợp.

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of

guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x